top of page

CÁC ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH
TRÊN ĐẢO NGỌC VỪNG

1. Địa điểm lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh

Tên gọi:    Địa điểm Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Ngọc Vừng.

Bên cạnh đó, di tích còn được gọi với cái tên: Khu Lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng. Đây là cách nhân dân trên đảo Ngọc Vừng thường gọi khi nói về di tích, vì Bác Hồ là tên gọi thân thiết, thiêng liêng của nhân dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên để thể hiện tình cảm của nhân dân trên đảo và ghi nhớ sự kiện Bác về thăm, mọi người đều gọi đây là Khu Lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng.

Nguồn gốc: 

Vào ngày 12 tháng 11 năm 1962 trong chuyến công tác từ Thủ đô Hà Nội ra vùng Đông Bắc Tổ Quốc, Bác Hồ đã đến thăm đồng bào, các chiến sỹ đóng quân trên đảo Ngọc Vừng, Bác đã nói chuyện với quân và dân trên đảo và trồng cây đa lưu niệm. Bác căn dặn“Phải làm giàu về kinh tế, tích cực cấy lúa, trồng màu, trồng cây, đánh cá và chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho nhân dân, dạy học cho các cháu, nâng cao đời sống cho mọi người dân trên đảo; Bộ đội và nhân dân phải đoàn kết, bộ đội phải giúp dân sản xuất và xây dựng hợp tác xã; Nhân dân phải giúp bộ đội khi chiến đấu và phục vụ chiến đấu…”. Để ghi nhớ sự kiện trên, huyện Vân Đồn đã xây dựng khuôn viên tưởng niệm Bác dưới gốc cây đa trước của Doanh trại Bộ đội để thể hiện tấm lòng biết ơn của quân đội và nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trên vùng biên giới đảo Đông Bắc của Tổ quốc và lưu niệm sự kiện Bác Hồ đến thăm quân và dân trên đảo Ngọc Vừng. 

Khu di tích gồm hai khu vực chính:

  • Khu vực sân đáp máy bay trực thăng là khu vực Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt dấu chân đầu tiên đến đảo Ngọc Vừng. 

  • Khu vực xây dựng các công trình lưu niệm Bác Hồ là khu vực Doanh trại bộ đội cũ nơi Bác vào thăm và nói chuyện với nhân dân trên đảo Ngọc Vừng là Trung đoàn 790). 

Ngày 24/02/2023, di tích lịch sử đã được Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 401/QĐ-BVHTTDL.

Địa điểm di tích: Thôn Bình Hải, xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

2. Trận địa pháo 12,7mm

Tên gọi: Trận địa pháo 12,7mm

 

Nguồn gốc:

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ngọc Vừng không chỉ là vùng đất trấn ải vùng biên giới hải đảo phía Bắc Tổ quốc mà còn là pháo đài thép bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, đập tan những cuộc leo thang chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Ngọc Vừng trở thành nơi máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nhất. Theo thống kê, số bom đạn mà giặc Mỹ đã ném xuống đây, chiếm tới 2/3 số lượng bom đạn mà chúng ném xuống huyện Vân Đồn (huyện Cẩm Phả cũ). Ngày 24/12/1972 đã đi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Quảng Ninh, khi quân và dân trên đảo Ngọc Vừng đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 của giặc Mỹ trên bầu trời Quảng Ninh. Chiếc máy bay của Mỹ đã bị bắn rơi bởi Trung đội dân quân trực chiến pháo 12,7mm do đồng chí Nguyễn Danh Sửu là trung đội trưởng đã chỉ huy.

Cùng với thắng lợi của nhân dân miền Bắc, thắng lợi của quân dân Ngọc Vừng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, với những thành tích đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, quân dân các dân tộc trên đảo Ngọc Vừng đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần huân, huy chương cao quý. 

Ngày 31/12/1973 quân dân Ngọc Vừng được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. 

Nhiều lần được ghi tên vào lá cờ Quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng quân dân Đông Bắc cùng nhiều phần thưởng cao quí khác. 

 

Địa điểm: Đồi Tùng Lý, thôn Bình Minh, xã Ngọc Vừng.

3. Thành cổ Ngọc Vừng 

Tên gọi:  Thành Cổ Ngọc Vừng

 

Nguồn gốc:

Di tích Thành cổ Ngọc Vừng có tên cổ là Bảo Tĩnh Hải (Đồn Tĩnh Hải), nằm ở ven bãi cát Trường Chinh thuộc thôn Bình Hải, xã Ngọc Vừng. Đây là một trong những di tích cổ còn sót lại trên đảo và có nhiều giá trị về lịch sử.

Niên đại của Thành cổ: Theo hồ sơ lý lịch di tích “Thành cổ Ngọc Vừng” do Bảo tàng Quảng Ninh lập tháng 10 năm 2011, Thành cổ được xây dựng từ thời Nhà Mạc (thế kỷ XVI) nên nhân dân quen gọi là thành Nhà Mạc. Đến thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 20 (năm 1839) thành được xây lại và được đặt tên là Bảo Tĩnh Hải.

Thành cổ điển hình cho loại kiến trúc quân sự ngoài trời, theo kiểu thành hình vuông, thường gặp trong kiểu kiến trúc thành nhà Hồ, nhà Lê, nhà Mạc và nhà Nguyễn. Năm 1973, đoàn khảo cổ Viện Khảo cổ học đã phát hiện thành được đắp đất bên trong, kè đá bên ngoài, đá được gắn kết với nhau bằng vữa vôi. Chỗ tường thành bình thường xây 1 lớp, riêng góc thành xây 2 lớp, mỗi lớp dày khoảng 50cm. Thành có 2 cửa được bố trí ở khoảng giữa tường thành, mỗi cửa rộng 3m. Cửa phía Bắc để làm nơi xuất binh hoặc đánh chặn đối phương từ hướng sông Cổng Đồn lên. Cửa phía Nam quay ra biển làm nơi tác chiến chính để đón đánh đối phương từ phía biển vào Thành.

Thành có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ biên giới trên biển vùng Đông Bắc Việt Nam, có vai trò bảo vệ cho thương cảng Vân Đồn, khống chế con đường biển đi qua đảo Ngọc Vừng hoặc đi vào phía Tây của Quan Lạn. Đây là kiến trúc thành cổ quân sự trên biển duy nhất còn tương đối nguyên vẹn ở vùng duyên hải phía Bắc.

Địa điểm:  Khu Cái Tặc, thôn Bình Hải, xã Ngọc Vừng

4. Cụm Đình Miếu Ngọc Vừng

Tên gọi:  Cụm Đình - Miếu Ngọc Vừng 

Nguồn gốc: 

Cụm Đình – Miếu Ngọc Vừng là công trình văn hóa lâu đời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân xã đảo Ngọc Vừng, được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đình là biểu tượng của khối đoàn kết toàn dân, biểu tượng của tình yêu quê hương, đất nước,  sự cần cù trong lao động, trong đấu tranh với thiên nhiên để từng bước cải tạo đất đai và mở mang bờ cõi quê hương. Đình Ngọc Vừng còn là nơi tôn thờ, gửi gắm tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của những thế hệ sau đối với những anh hùng dân tộc, các bậc tiền nhân, những người có công với đất nước, thể hiện đạo lý “Uống  nước nhớ nguồn của ” của dân tộc Việt Nam. Trong dựng nước và giữ nước, nơi đây thường xuyên diễn ra những cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc, giữ vững vùng trời biển đảo, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nguyên mông lần thứ 3 của Nhân Huệ Vương – Trần Khánh Dư cùng các danh tướng họ Phạm ( Phạm Công Chính, Phạm Thuần Dụng, Phạm Quý Công) đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ.

Khởi đầu Đình Ngọc Vừng được xây dựng vào khoảng cuối thời Hậu Lê (thế kỷ 18) bằng tranh, tre nứa và lợp mái bằng cỏ, đến khoảng năm 1920, Đình được xây dựng lại bằng đá, gạch, mật mía, mái lợp ngói mũi. Do không được tu sửa thường xuyên, cùng với những lý do khách quan khác năm 1963, Đình trở thành phế tích. Tháng 7 năm 2015, đình được phục dựng trên nền đất cũ với quy mô lớn hơn đình cũ. Tháng 11 năm 2016, hoàn thành công trình xây dựng Đình và phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.

Cùng với Đình, một ngôi Miếu nhỏ cũng được xây dựng ở khu Cống Lẩu thờ ba vị Thành Hoàng họ Phạm. Miếu cách Đình gần 1km đường chim bay về phía Nam, Miếu cũng trở thành phế tích cùng thời gian với Đình. Năm 2002, Miếu được khôi phục lại trên nền đất cũ ở phía trước Hồ Ngọc Thuỷ.

Theo các đạo sắc phong, thư tịch cổ Hán Nôm, Đình Ngọc Vừng thờ ba anh em họ Phạm (Phạm Công Chính, Phạm Thuần Dụng, Phạm Quý Công); Bảo An chi thần và Phụ quốc Đô Thống chi thần. Các vị này được dân làng Ngọc Vừng tôn làm Thành Hoàng làng và thờ phụng tại đây. Các vị Thành Hoàng đã được Triều Nguyễn phong chức Thần và gia phong cho nhân dân Ngọc Vừng phụng thờ mãi mãi. Hiện tại Đình Ngọc Vừng còn lưu giữ ba đạo sắc phong (Sắc phục chế), đạo sắc phong vua Tự Đức ban cho Bảo An chi thần vào ngày 15 tháng 11 năm Tự Đức thứ 3 (1850), một đạo sắc phong vua Thành Thái ban cho Phụ Quốc Đô Thống chi thần vào ngày 18 tháng 11 năm Thành Thái thứ nhất (1889) và một đạo sắc phong vua Khải Định ban cho.

Đình Ngọc Vừng là nơi thờ phụng các dòng họ Tiên Công có công khai phá đất đai, dựng làng lập ấp (họ Phạm, họ Lê, họ Nguyễn, họ Trần, họ Bùi, họ Vũ).

 

Địa điểm:  Thôn Bình Minh, xã Ngọc Vừng.

5. Cột cờ Quốc gia Đảo Ngọc Vừng

Tên gọi: Cột cờ Quốc gia Đảo Ngọc Vừng

Nguồn gốc: 

Cột cờ Quốc gia Đảo Ngọc Vừng theo thiết kế và thi công ban đầu của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Viettel, cột cờ cao 58m, được đặt trên đỉnh cao 37 núi Tùng Lý có độ cao 94,6m so với mực nước biển. Hiện nay Cột cờ quốc gia đảo Ngọc Vừng đã được xây dựng lại khang trang, sạch đẹp với chiều cao cột và kích thước lá cờ lấy chuẩn theo kích thước cột cờ Ba Đình (chiều cao cột 29m, khổ rộng lá cờ là: 24m2). '

 

Cột cờ Quốc gia Đảo Ngọc Vừng là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nói chung và cũng là niềm vinh dự của mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo nói riêng.

 

Như chúng ta đã biết đảo Ngọc Vừng là một xã đảo ở phía Đông Bắc của Tổ quốc và từ lâu được xem là mảnh đất thiêng liêng với nhiều cảnh đẹp rất bình dị nhưng cũng rất hữu tình. Đỉnh cột cờ vừa có giá trị lịch sử trong thời kỳ chiến tranh bởi ở đây là điểm cao lý tưởng để bao quát được toàn bộ hành động của kẻ thù và bảo vệ được đội hình chiến đấu.

 

Từ vị trí của Cột cờ, chúng ta có thể ngắm trọn vẹn vẻ xinh đẹp, kỳ vĩ của đảo Ngọc Vừng… Đồng thời ở đây còn có giá trị về văn hóa, du lịch, khi lên đây du khách có thể được tận hưởng sự trong lành của khí trời và ngắm nhìn những ngôi làng rất chân quê, hồ nước ngọt Cẩu Lẩu- nơi cung cấp sự sống cho quân và dân Ngọc Vừng và nhất là chúng ta được ngắm nhìn biển đảo, ở phía bên phải là dãy núi Tu La và ở phía bên trái là hầm pháo 37mm, xa xa là những hòn đảo nổi. Đây là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mà mỗi chúng ta đều có nhiệm vụ tuyên truyền và bảo vệ. Cột cờ khẳng định chủ quyền quốc gia, đây là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn khi du khách đến với đảo Ngọc Vừng.

 

Địa điểm: Trên đồi Tùng Lý, thôn Bình Hải, xã Ngọc Vừng, nằm trên ngọn đồi sau Địa điểm Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Ngọc Vừng

6. Bãi biển Trường Chinh

Tên gọi:  Bãi biển Trường Chinh

Nguồn gốc: 

Được thiên nhiên ưu đãi có bãi cát trắng mịn trải dài gần 3km bờ biển, uốn mình như vầng trăng khuyết, dựa mình vào rừng phi lao, bồng bềnh giữa lòng biển khơi, nơi đây là điểm đến lý tưởng cho du khách vào mùa hè và những ngày cuối thu và đó chính là lý do du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp riêng biệt, hoang sơ của Ngọc Vừng. Đặc biệt là nguồn nước trong xanh, phẳng lặng, sơn thủy hữu tình đã tạo cho đảo Ngọc Vừng một tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái của vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Năm 1963, đồng chí Trường Chinh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã về thăm đồng bào và chiến sỹ trên đảo Ngọc Vừng. Đồng chí đã căn dặn “Ngọc Vừng cần phải đổi mới hơn nữa, phải đoàn kết đấu tranh, ai cũng có nhiệm vụ của mình, nông dân phải tích cực sản xuất, đặc biệt phải nghề cá”. Đây là dấu ấn để chính quyền, nhân dân đặt tên bãi cát Ngọc Vừng nơi đồng chí đến là bãi cát Trường Chinh và con đường từ bãi cát đến trung tâm xã cũng được lấy tên là đường Trường Chinh từ đó.

Dọc bờ biển được phủ một màu xanh ngút ngàn của cánh rừng phi lao như đội quân hùng dũng ngàn năm vẫn một lòng trung nghĩa với biển khơi. Mặt nước trong xanh xuống tận đáy, sóng biển vô cùng hiền hòa tha hồ để du khách hòa mình đắm chìm vào không khí tinh khôi của buổi sáng bình minh thật tuyệt vời. Không gian bốn bề phẳng lặng, tiếng động của thiên nhiên biến những xô bồ, muộn phiền của cuộc sống thường nhật được biến dần vào không gian tĩnh nặng.

Địa điểm:  Phía nam đảo Ngọc Vừng, xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

7. Hòn Pháo đài

Tên gọi: Hòn Pháo Đài

Nguồn gốc: 

Thành nhà Mạc được xây dựng thì hòn Pháo đài là một địa điểm để canh gác của Thành nhà Mạc và lấy tên là Hòn pháo đài, có chòi canh gác ngăn chặn và phát hiện tàu thuyền của địch xâm nhập vào Thành nhà Mạc cũng như lãnh thổ từ phía biển Trên pháo đài có đặt những khẩu thần công, đại bác và những bệ phòng thủ để ngăn chặn sự xâm nhập của quân địch. Từ đó hòn Pháo đài luôn là điểm du lịch được du khách đến thăm quan và chụp ảnh check in.

Đặc biệt đường lên Hòn Pháo Đài được ngăn cách bởi một con đường bằng đá, mỗi khi thuỷ triều rút chúng ta có thể đi bộ đến Hòn Pháo Đài, mỗi khi thuỷ triểu lên, đường bãi đã sẽ bị nước biển bao phủ, du khách có thể trải nghiệm cảm giác lội nước để có thể tiếp cận Hòn Pháo đài khi thuỷ triều lên.

Khi đặt chân lên đỉnh hòn Pháo đài, du khách sẽ thấy các dấu tích còn lại của nơi đặt các khẩu pháo thần công hướng thẳng ra biển, hiên ngang, sừng sững ngăn chặn quân thù tiến vào từ biển. Ngoài ra du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh vật từ hòn Pháo đài sẽ thấy hết vị trí quan trọng và phong cảnh hùng vĩ của biển đảo Ngọc Vừng.

Địa điểm: Nằm cuối bãi biển Trường Chinh, xã Ngọc Vừng.

8. Hồ nước ngọt Cẩu Lẩu

Tên gọi: Hồ nước ngọt Cẩu Lẩu và Ngọc Thủy

Nguồn gốc:

Ngọc Vừng nổi danh là một xã đảo với bãi biển nguyên sơ và nhiều di tích lịch sử, tuy nhiên khi đến đây du khách sẽ còn được khám phá 02 hồ nước ngọt tự nhiên, một trong những đặc điểm riêng hiếm mà không phải xã đảo nào cũng có.

Hồ nước ngọt Ngọc Thủy và Cẩu Lẩu nằm ở thôn Bình Minh, một trong những thôn đẹp nhất trên đảo. Đường giao thông được kết nối được bê tông hóa và có hệ thống xe điện phục vụ du khách tham quan xung quanh hồ.

Hồ Ngọc Thủy và hồ Cẩu Lẩu có diện tích hơn 9,1ha,  bao bọc bởi các cánh rừng tự nhiên, phục vụ tưới cho 30ha đất sản xuất nông nghiệp và đảm bảo hệ thống nước sinh hoạt cho nhân dân trên đảo.

Địa điểm: Thôn Bình Minh, xã Ngọc Vừng (sau Miếu Ngọc Vừng).

bottom of page