Đảo Ngọc Vừng đang dần đổi thay, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn khiến ai đã đến sẽ lưu luyến chẳng muốn rời.
Đảo Ngọc Vừng thuộc huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, rộng khoảng 45 km2. Hòn đảo này còn được gọi là đảo Ngọc, đây là vùng đất có bề dày lịch sử, nơi lưu giữ nhiều dấu tích của thương cảng Vân Đồn cổ, thành cổ Nhà Mạc...Tương truyền khu vực này xưa kia có nhiều loại ngọc trai quý hiếm, đêm đêm phát sáng cả một vùng trời. Người xưa đồn rằng vào ban đêm tàu thuyền từ xa thường nhìn thấy cả ánh hào quang của trai biển trong một vùng sáng quanh đảo, vì thế có tên gọi là Ngọc Vừng.
Đảo Ngọc Vừng hoang sơ đang dần trờ thành điểm đến thu hút khách du lịch
Nhìn từ xa, Ngọc Vừng xanh mướt, đẹp như dải nhung lụa với các bãi cát trắng như đường viền sáng trắng quanh đảo. Nếu so với Quan Lạn, Minh Châu, đảo Ngọc Vừng ít được du khách biết đến hơn. Hòn đảo này vẫn còn giữ nguyên được những nét hoang sơ, chưa bị tác động nhiều bởi các hoạt động kinh doanh du lịch của con người.
Không chỉ giữ nguyên được vẻ đẹp riêng vốn có, du lịch Ngọc Vừng nay đã có nhiều đổi thay, khoác lên tấm áo mới với nhiều dịch vụ, trải nghiệm mới mẻ cho du khách.
Khi đến với Ngọc Vừng, du khách không thể bỏ qua bãi biển Trường Chinh trong xanh, cát trắng phẳng lỳ dài gần 3km, rộng gần 200m được hàng phi lao cao cổ trụ ôm trọn, bờ cát dài thoai thoải, phẳng lặng và vẫn còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ. Bãi tắm trong xanh, có độ dốc thoải mái và không quá sâu nên rất phù hợp để bơi lội.
Bãi tắm Trường Chinh với vẻ đẹp hoang sơ
Đây cũng là nơi du khách có thể đắm mình tận hưởng sự thư thái trong không gian yên bình, thưởng thức không khí trong lành, ngắm ánh bình minh và ánh hoàng hôn hoàn hảo nhất. Thú vị nhất, có lẽ là ngắm cảnh bằng xe lam hoặc đạp xe đạp giữa hàng cây cao vút rợp bóng, tới tham quan rừng phi lao ven biển, hòn Pháo Đài phía cuối bãi tắm,…
Nếu đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm thú vị khi đạp xe qua những con đường rợp bóng mát với hàng cây phi lao cao vút. Điểm mới mà du khách có thể khám phá chính là các di tích lịch sử, văn hóa và cảnh quan làng quê yên bình nay đã khoác lên "bộ áo" đổi mới, xinh đẹp như: Khu di tích Bác Hồ, Cột cờ quốc gia, khám phá rừng phi lao xanh rì...
Điểm đến lý tưởng du khách nên trải nghiệm chính là thôn Bình Minh, một trong những thôn nông thôn mới tiêu biểu của đảo với diện mạo khác hẳn, đường xá khang trang, rợp bóng hoa, cây cảnh hai bên đường. Ngoài cảnh quan yên bình, bạn có thể tham quan đình Ngọc Vừng, hồ nước ngọt Cẩu Lẩu hoặc tìm hiểu nghề trồng đặc sản khoai lang, củ kiệu trên cát của bà con nơi đây.
Chạy xe dọc theo con đường quanh đảo là một trải nghiệm tuyệt vời bạn không thể bỏ qua
Có cơ hội đến đây, du khách nên trải nghiệm biển Ngọc Vừng bằng cách di chuyển từ cảng cổ Cống Yên, ra khơi ngắm cảnh đẹp đảo Hạ Mai, Vạn Cảnh hoặc đi câu cá mú gầu, mú nhẻm, đi vớt tép...
Đặc biệt, đến với đảo Ngọc Vừng, cả một thiên đường hải sản cho bạn thỏa sức thưởng thức. Hải sản trên đảo được người dân đánh bắt và đem bán ngay trong ngày vì vậy luôn đảm bảo độ tươi ngon. Một số loại hải sản ngon nổi tiếng nhất trên đảo Ngọc Vừng phải kể đến như: Lẩu cá mú, ngao Ngọc Vừng, tôm he nướng, ghẹ xanh Ngọc Vừng, mực,… Từ các món ăn dân dã như cháo khoai lang, cá khô tới các món lẩu cá mú, gỏi tép... đều được chế biến độc đáo, ngon khó quên.
Mực nướng là một món ăn ngon mà bạn không thể bỏ qua trên đảo.
Có một điều bất ngờ hơn nữa, khi đến với đảo Ngọc Vừng, vấn đề ăn ở không còn là nỗi lo của du khách. Thời gian qua, Ngọc Vừng đã có sự thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng các cơ sở dịch vụ để phục vụ khách du lịch. Ngọc Vừng không ngừng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng với hơn 100 phòng nghỉ. Đặc biệt, khu nghỉ dưỡng Sông Đà Ngọc Vừng đi vào hoạt động đã cho thấy điểm sáng mới trong việc phát triển du lịch nơi đây.
Mỗi khi bạn mệt mỏi với công việc bàn giấy, đau đầu với tiếng ô tô, xe máy nơi phố thị thì hãy nhớ tới đảo Ngọc Vừng. Nơi có những bãi biển xanh rì, không gian yên tĩnh, không ý trong lành và đặc biệt là hình ảnh con người chất phát, bình dị sẽ mang lại cho du khách một chuyến du lịch hoàn hảo nhất.
N.T
Comments