top of page

Hòn đảo "bừng sáng" ở Quảng Ninh nơi 60 năm trước Bác Hồ về thăm, trồng cây đa lưu niệm

Năm 1962, nhân dịp ra thăm quân và dân đảo Ngọc Vừng, Vân Đồn, Quảng Ninh, Bác Hồ đã trồng một cây đa lưu niệm. Bây giờ, cây đa đó như một biểu tượng sừng sững của xã đảo, che bóng mát cho cả một vùng, là một điểm tham quan của du khách khi đến thăm đảo Ngọc Vừng.


Cây đa Bác Hồ trồng 60 năm trước giờ tỏa bóng một vùng đảo Ngọc Vừng


Xuất phát từ cảng Vũng Đục (Cẩm Phả, Quảng Ninh), sau hơn 1 giờ lênh đênh trên vịnh Hạ Long, chúng tôi cũng đến đảo Ngọc Vừng. Đặt chân xuống đảo, đi theo con đường nhỏ, thơ mộng ven biển với một bên là núi, một bên là biển, chúng tôi đến trung tâm xã Ngọc Vừng, nơi 60 năm trước, Bác Hồ đã về thăm và trồng ở đây một cây đa lưu niệm.

Bác Hồ đến thăm quân và dân đảo Ngọc Vừng ngày 12/11/1962. Ảnh tư liệu


Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy bóng cây đa sừng sững, tỏa bóng mát xum xuê, che mát khoảng sân rộng lớn trong Khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo.


Anh Phạm Văn Khánh, cư dân trên đảo Ngọc Vừng cho biết, từ khi anh còn bé, anh đã thấy cây đa Bác Hồ trồng mạnh mẽ vươn lên giữa đảo Ngọc Vừng, mặc ảnh hưởng của các đợt thiên tai, mưa bão năm nào cũng ghé thăm.

Cây đa Bác Hồ trồng trên đảo Ngọc Vừng năm 1962 nằm phía bên trái Khu lưu niệm Bác Hồ. Ảnh: K.N

Chúng tôi dừng chân trước khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo, cây đa Bác Hồ trồng năm xưa nằm bên trái khu lưu niệm, che kín khoảng sân phía trước nhà lưu niệm.


Gốc cây xù xì, chia ra thành 6, 7 nhánh cây lớn, tỏa ra xung quanh như một chiếc ô khổng lồ. Trải qua bao năm tháng, cây đa cứ thế vươn mình mạnh mẽ, trở thành một phần không thể thiếu của quân và dân trên đảo Ngọc Vừng, như một chứng nhân chứng kiến những đổi thay của mảnh đất này.

Gốc cây đa in hằn dấu vết tháng năm. Ảnh: K.N

Ngọc Vừng vốn là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Thời phong kiến, đảo có các bến cổ nằm trong hệ thống thương cảng Vân Đồn, ngày ngày thông thương buôn bán với tàu buôn nước ngoài. Đây cũng là vị trí tiền tiêu, nơi án ngữ hiểm trở của vùng biển đảo biên giới phía bắc.


Từ sau tháng 9/1960, cùng với miền Bắc, Ngọc Vừng bắt tay vào phát triển kinh tế, nhằm động viên kịp thời những thành tích đã đạt được của quân dân các dân tộc đang sinh sống và bảo vệ vùng biên giới, hải đảo phía Bắc Tổ quốc, ngày 12/11/1962, Bác Hồ cùng với một số đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng đã đi máy bay từ Thủ đô Hà Nội ra Ngọc Vừng.

Trước đó một ngày, lãnh đạo xã Ngọc Vừng nghe tin có đoàn cán bộ cấp cao ra thăm đảo. Mặc dù không được biết chính xác vị khách đó là ai song mọi người đều nghĩ là Bác Hồ...

Từ gốc đa lại có nhiều nhanh lớn, tỏa ra khắp nơi như một chiếc ô khổng lồ che mát khoảng sân rộng. Ảnh: K.N

Việc chuẩn bị đón khách diễn ra với không khí khẩn trương và tâm trạng hồi hộp, chờ đợi. Đến chiều, khi chiếc máy bay lượn trên bầu trời rồi từ từ hạ cánh, từ cửa máy bay, Bác tươi cười bước ra giơ tay vẫy chào quân dân trên đảo. Bác thăm nhà ăn, nhà bếp, thăm các chiến sỹ đang nấu cơm chiều của Ban chỉ huy bộ đội đảo Ngọc Vừng, rồi trở ra trước cửa doanh trại.


Bác căn dặn người dân đảo Ngọc Vừng: "Phải làm giỏi về kinh tế, tích cực cấy lúa, trồng màu, đánh cá và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, dạy học cho các cháu, nâng cao đời sống cho mọi người trên đảo. Bộ đội và nhân dân phải đoàn kết, bộ đội phải giúp dân sản xuất và xây dựng, nhân dân phải giúp bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu".

Trước khi chia tay Ngọc Vừng, Bác đã trồng một cây đa lưu niệm... Ghi nhớ công ơn của Bác, bên gốc đa năm xưa Bác trồng, quân dân Ngọc Vừng đã cho xây một khuôn viên và dựng bia kỷ niệm...


Hằng năm, vào ngày 12/11, tại khuôn viên dưới gốc đa, quân dân xã Ngọc Vừng thường tổ chức mít tinh ôn lại sự kiện Bác Hồ đến thăm đảo năm xưa, dâng hương tưởng nhớ và báo công với Bác...

Khách du lịch thích thú cho cá ăn trong Khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng. Ảnh: K.N

Ngọc Vừng - hòn đảo bừng sáng


Nằm ở phía Đông Nam, cách huyện đảo Vân Đồn khoảng 40km, Ngọc Vừng không chỉ được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mà còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa rất đáng để du khách khám phá.


Sở dĩ có tên gọi như vậy vì tương truyền, khu vực này xưa kia có nhiều loài trai ngọc quý hiếm, đêm đêm phát sáng cả một vùng trời.


Bây giờ, Ngọc Vừng vẫn là một hòn đảo xinh đẹp và hoang sơ với những ngôi nhà nhỏ xinh của người dân nằm nép mình bên núi, với bãi biển trải dài, với những cánh đồng lúa nằm giữa núi non trùng điệp.


Anh Phạm Văn Khánh cho biết, cư dân trên đảo sống bằng nghề nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản kết hợp làm du lịch.

Như gia đình anh Khánh, vào cao điểm mùa du lịch, anh chở khách đi tham quan vòng quanh đảo, khi khách du lịch vãn dần, anh chăm sóc, thu hoạch diện tích nuôi trồng thủy sản của gia đình.

Bãi biển Trường Chinh, đảo Ngọc Vừng.

"Hơn 40 năm tôi sống trên hòn đảo này, dù còn nhiều thiếu thốn, nhiều loại thực phẩm phải đưa từ ngoài đất liền vào nhưng tôi thấy cuộc sống rất thoải mái, bình yên. Lũ trẻ được học hành đầy đủ hết bậc trung học cơ sở, sau đó lên cấp 3 đi học ở huyện Vân Đồn", anh Khánh cho biết.


Không chỉ lưu giữ được khung cảnh hoang sơ, bãi biển dài đẹp, cát mịn, Ngọc Vừng còn nhiều di tích khá độc đáo như đình, miếu Ngọc Vừng thờ 3 vị tướng quân họ Phạm là Phạm Công Chính, Phạm Thuần Dụng và Phạm Quý Công đã góp công đánh tan đoàn thuyền lương của giặc Nguyên Mông do Trương Văn Hổ chỉ huy trên dòng sông Mang lịch sử năm 1288. Trận địa pháo 12 ly 7 - nơi bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 của Mỹ trên bầu trời miền Bắc, cột cờ quốc gia trên đảo Ngọc Vừng... Các di tích danh thắng đều đã được xã quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ.

Trung tâm xã đảo Ngọc Vừng. Ảnh: K.N

Ngoài ra, Ngọc Vừng còn lưu giữ dấu tích Thương cảng cổ Vân Đồn ở khu vực Cống Hẹp, cảng cá cổ thôn Ngọc Nam.


Du khách đến Ngọc Vừng còn được thưởng thức các món ăn tươi ngon từ sản vật của biển. Có lẽ chính điều này đã thu hút 8.000 - 9.000 khách du lịch đến với Ngọc Vừng mỗi năm.

Trong tương lai, khi hòn đảo này được đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng, hệ thống lưu trú, cộng với những di tích lịch sử văn hóa độc đáo, Ngọc Vừng sẽ là một điểm đến thú vị trên bản đồ du lịch của tỉnh Quảng Ninh.


K. Nguyên

Nguồn: Báo Dân Việt

コメント


bottom of page