top of page

Mùa tép biển Ngọc Vừng

Thứ 2, 07/08/2023 | 10:20:05 [GMT +7]

Mùa tép ở xã đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) kéo dài từ tháng 6-9 hằng năm; tép nhiều và ngon tập trung chủ yếu vào tháng 8. Vùng biển Ngọc Vừng, Quan Lạn nằm xa bờ, không bị ô nhiễm, nước trong, nên tép sạch, béo tròn, rất ngon. Mùa tép năm 2023, ngư dân Ngọc Vừng đang ra khơi khai thác tép biển về chế biến thành các sản phẩm tép khô, mắm tép để cung cấp ra thị trường.

Xúc “lộc biển”


Chị Nguyễn Thị Thanh, thôn Ngọc Nam (bên phải) phơi tép đánh bắt được ngay khi về bến.

3h30 một ngày đầu tháng 8, theo lời hẹn, trên con tàu 40 mã lực của chị Nguyễn Thị Thanh (37 tuổi, thôn Ngọc Nam), tôi cùng 3 ngư dân khác ra khơi. Trên trục đường thôn đèn cao áp thắp sáng, chị Thanh hỏi mấy ngư dân đi cùng kiểm tra đồ đạc, đồ ăn, ngư cụ. Biển sáng sớm tĩnh mịch, thủy triều xuống rất thấp, sóng vỗ nhẹ xô bờ, tiếng máy tàu vang lên phá vỡ sự tĩnh mịch...

Con tàu từ từ rời bến, ánh đèn ở thôn mờ dần trong đêm. Mặt biển lúc này chỉ nhìn thấy ánh sáng của tàu phản chiếu lấp lánh trên con sóng. Chị Thanh lái tàu, mọi người ngồi trên boong chờ đến khu vực có tép biển. Chạy khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ, tàu đến khu biển Sơn Hào thuộc xã Quan Lạn và xã Minh Châu.


Gia đình ông Lâm Văn Tiền (thôn Bình Hải) chuẩn bị ngư cụ vươn khơi khai thác tép.

Khu vực này rộng lớn, biển lặng. Anh Hưng, một trong 3 ngư dân, chèo lên cột buồm trước mũi tàu để quan sát mặt biển. Con tàu chạy chậm dần, chị Thanh nói với tôi, biển càng lặng thì tép càng nhiều và dễ tìm hơn. Khi gió và sóng lớn, tàu chòng chành thì rất khó phát hiện ra đàn tép. Sau hơn 1h quan sát, anh Hưng hô lên, chỉ tay hoa tiêu cho lái tàu tiến theo hướng nam. Tới khoảng cách 30m, anh Phương và anh Hà, 2 ngư dân còn lại, tháo dây, từ từ hạ cần xiếc xuống biển. Chị Thanh lái tàu tiến thẳng vào vạt đỏ lăn tăn, bồng lên trên mặt biển.

Xiếc có hình tam giác đặt trước mũi tàu, miệng rộng 20m, 2 cần gỗ 2 bên dài 15m. Xiếc hạ sâu từ 1-1,5m từ mặt nước biển, tiến vào vạt đỏ đang cuộn lại như lò xo vào lưới xiếc. Tàu dừng lại, cần xiếc dần nâng lên, trong xiếc đặc nghịt một màu đỏ cùng với những âm thanh lạo xạo. Đó là tép. Mỗi người một việc, xúc tép cho vào bồ đựng, bê xếp vào khoang tàu. Đàn tép không nhiều lắm, khoảng 5 tạ. Chị Thanh bảo, có lần đàn tép lên đến 1 tấn, nhưng hiện rất ít gặp.

Con tàu tiếp tục lướt trên mặt biển khu vực Sơn Hào. Đánh thêm 1 đàn tép nữa, tàu đầy khoang, vội về. Lúc này đã 11h, ngư dân chuyển tép lên chiếc xe tự chế, tranh thủ mang phơi lúc trời nắng. Ai cũng phấn khởi vì lần vươn khơi thành công.

Mong “mưa thuận, gió hòa”

Thời gian không kéo dài như đánh bắt thủy sản xa bờ, khai thác tép biển nếu thuận lợi chỉ cần khoảng 4-5 tiếng, dài nhất là 8 tiếng đồng hồ. Theo nhiều ngư dân ở đây, tàu khai thác tép biển không lớn, tàu 40 mã lực chỉ chứa được tối đa 1,7 tấn; phải về sớm để phơi hoặc chế biến tép, để lâu tép sẽ hỏng, không bán được. “Ngày đàng dài gang nước”, đường trên biển bao giờ cũng hiểm nguy và vất vả vô cùng. Tuy khai thác ven bờ, nhưng thời tiết biển thường biến đổi thất thường...


Ngư dân mang tép phơi ngay khi khai thác về.

Chị Thanh cho biết: Có những lần, lúc đầu đi biển thời tiết rất đẹp, nhưng khi ra ngoài khơi thì trời bỗng nổi cơn (giông). Khoảng 15 phút trời đang sáng bỗng tối đen lại, gió nổi lên, sóng to, kèm sấm sét, không cẩn thận có thể lật tàu bất cứ lúc nào. Đối với những người đi biển có kinh nghiệm, họ nhìn cơn là biết được mạnh hoặc nhẹ để tìm chỗ trú, hoặc thu ngư cụ cho tàu quay vào bờ. Cách đây 3 năm, thôn Ngọc Nam có một ngư dân đi khai thác tép biển không may gặp cơn giông, bị sét đánh tử vong.

Với những ngư dân khai thác tép biển, nhìn con nước có thể biết được tép nhiều hay tép ít. Thường vào ngày nước kém, biển lặng, tép nổi lên. Chị Hoàng Thị Hương (45 tuổi, thôn Ngọc Nam), gia đình có truyền thống khai thác tép biển, chia sẻ: "Khai thác tép biển dựa phần lớn vào thời tiết. Nước lên, ngư dân ở nhà không đi, vì lúc đó tép ở dưới tầng sâu, rất khó để đánh bắt. Thời tiết càng thay đổi, sắp có bão lớn, tép nổi lên càng nhiều; nhiều ngư dân tranh thủ ra khơi khai thác tép biển".

Không phải ai đi biển cũng có tép đầy khoang đem về. Ngư dân Lâm Văn Tiền (57 tuổi, thôn Bình Hải) cả ngày hôm nay không gặp đàn tép nào đành về tay trắng. Ông Tiền chia sẻ: “Do không tính được con nước kèm cả thiếu may mắn, nên đi cả buổi mà không đánh bắt được đàn tép nào. Ngư dân khai thác tép biển Ngọc Vừng chỉ mong muốn gặp “mưa thuận, gió hòa” bình an trở về với tép đầy khoang".

Làm sao để phát huy thế mạnh từ nguồn lợi tép biển

Theo ngư dân khai thác tép biển Ngọc Vừng, năm nay sản lượng tép nhiều hơn so mọi năm. Nắng kéo dài, ngư dân tranh thủ phơi thành tép khô, tiêu thụ tốt hơn. Chị Thanh cho biết, từ đầu vụ đến nay chị đã ra khơi vài chuyến, đánh bắt được khoảng 6 tấn tép tươi, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng.



Gia đình Chị Hoàng Thị Hương (thôn Ngọc Nam) từ đầu vụ đến nay khai thác được 5 tấn tép tươi. Chị cho biết, tép đánh bắt về cho phơi ngay. Nắng gắt, tép chỉ phơi khoảng 3h là được; còn bình thường thì phơi cả ngày, rồi đem về phân loại, đóng vào túi nilon (1kg/túi), giá bán từ 80.000-100.000 đồng/kg.

Tép khô đầu vụ tiêu thụ khá thuận lợi, chủ yếu do các mối quen biết trước đây ở Cẩm Phả, Vân Đồn, Hạ Long… đặt mua, chị gửi tàu khách vào. Khi khai thác tép về không gặp nắng thì toàn bộ tép cho vào chượp làm mắm.


Tép khô được đóng gói 1kg/túi.

Bà Nguyễn Thị Bảy (thôn Ngọc Nam) chia sẻ, mọi năm gia đình bà cũng khai thác tép biển. Khai thác nhiều quá không tiêu thụ hết, gia đình cho vào chượp làm mắm tép. Nghề làm mắm tép ở đây có từ lâu đời, có bí quyết làm mắm rất ngon. Cùng ở thôn Ngọc Nam, gia đình chị Nguyễn Thị Liên (43 tuổi), đầu vụ tép năm nay khai thác được 3 tấn, tiêu thụ được khoảng 2 tấn tép khô, số còn lại làm mắm tép.

Theo các ngư dân ở đây, nguồn tép biển vào vụ rất lớn, nếu thuận lợi về thời tiết, tép khai thác được phơi ngay sẽ dễ tiêu thụ hơn là để làm mắm. “Khai thác tép về nhiều không tiêu thụ được chẳng để làm gì. Một lọ mắm tép 1kg có giá bán khoảng 50.000 đồng; trong khi chượp ủ mất cả năm, chưa kể tiền bao bì, mà chỉ tiêu thụ cho người quen là chính" - Bà Bảy nói.


Sản phẩm mắm tép của gia đình chị Hoàng Thị Hương (thôn Ngọc Nam).

Ông Vũ Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng, cho biết: Xã hiện có 30 hộ gia đình làm nghề khai thác tép biển. Trong khoảng 10 ngày đầu vụ, sản lượng tép cả xã đạt 80 tấn, gần bằng sản lượng tép cả năm 2022 (gần 100 tấn). Mắm tép Ngọc Vừng đã đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao, nhưng vẫn khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Để phát huy tiềm năng lợi thế từ tép biển Ngọc Vừng mà thiên nhiên ban tặng, bên cạnh tép tươi, tép khô được khách hàng ưa chuộng, rất cần quảng bá sản phẩm mắm tép đến người tiêu dùng; qua đó giúp ngư dân nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập.

Dương Trường

https://baoquangninh.vn/mua-tep-bien-o-ngoc-vung-3253268.html?fbclid=IwAR0vmaFchHd8hHDorDiDNklYSJsYF35UQ1-0xOeaU3nq2xpFvAIscUO82Rk


Comments


bottom of page