Trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (từ năm 1964-1972), với vị trí tiền tiêu bảo vệ vùng trời, vùng biển phía đông bắc của Tổ quốc, xã đảo Ngọc Vừng luôn phải đối mặt với bom đạn của kẻ thù.
Theo số liệu đã được công bố, chỉ tính riêng thời gian diễn ra chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (từ 1964-1968), bình quân mỗi người dân xã đảo Ngọc Vừng đã phải gánh trên vai mình 16 quả bom các loại ném xuống mảnh đất này. Còn trong chiến tranh phá hoại lần thứ hai, tuy chỉ diễn ra trong vòng 6 tháng, Không quân Mỹ đã tiến hành đánh phá đảo trên 100 trận, ném hơn một ngàn quả bom, phá huỷ nặng nề các trường học, trạm xá, nhà ở của dân, tàu thuyền của HTX đánh cá v.v.. Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cũng chính trong chiến tranh ác liệt, đúng như tên gọi của mình, Ngọc Vừng đã “toả sáng” bởi những chiến công chói lọi; trong đó sáng nhất là trận chiến cuối cùng trong những ngày cuối tháng 12 năm 1972. Trong 5 ngày, (từ 19-24 tháng 12-1972) quân dân xã đảo đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ, trong đó có chiếc máy bay thứ 200, là chiếc máy bay cuối cùng của địch bị bắn rơi trên bầu trời Quảng Ninh.
Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Ngọc Vừng.
Ngay từ trước đó, theo phán đoán của Trung ương, đế quốc Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng cường đánh phá ác liệt, thậm chí chúng sẽ dùng cả máy bay B52 để huỷ diệt một số trọng điểm quan trọng trên miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng v.v.. Ở Quảng Ninh, Hồng Gai, Cửa Ông v.v.. cũng nằm trong “tầm ngắm” trong đợt huỷ diệt này của kẻ thù. Vì vậy, được sự chỉ đạo của trên, quân dân xã đảo Ngọc Vừng đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ khi chúng bay vào hoặc tháo lui sau khi oanh tạc ở đất liền. Các trận địa pháo cao xạ được củng cố, các đơn vị bộ đội, dân quân, tự vệ trên đảo được tập dượt các phương án hiệp đồng tác chiến bắn máy bay Mỹ… Đêm 18-12-1972, chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” bắt đầu diễn ra tại Thủ đô Hà Nội thì ngay ngày hôm sau, 19-12-1972, máy bay Mỹ đã vào đánh phá Hồng Gai, Uông Bí, Cửa Ông v.v.. Vào lúc 12 giờ ngày 19-12-1972, một tốp máy bay Mỹ sau khi đánh phá thị xã Hồng Gai, trên đường bay ra biển, khi qua đảo Ngọc Vừng đã bị cụm pháo 14,5mm trên đảo bắn rơi tại chỗ một chiếc. Tiếp sau đó, sáng ngày 23-12-1972, lại một máy bay A3J của chúng sau khi oanh tạc đất liền, bay ra biển ở độ cao 1.500m, bị đại đội pháo cao xạ 37mm bắn rơi xuống biển; hai giặc lái bị tiêu diệt. Sau khi lập được chiến công, quân dân xã đảo nhanh chóng củng cố trận địa, sẵn sàng đối phó với các trận chiến sau. Và đêm 23, rạng ngày 24-12-1972, hai chiếc máy bay F4 của địch bay ở độ cao 1.800 từ đất liền ra theo đường bay của chiếc máy bay A3J đã bị bắn rơi hôm trước. Toàn trận địa trên đảo đã đồng loạt nổ súng. Một chiếc máy bay bị trúng đạn rơi tại chỗ. Đây chính là chiếc máy bay thứ 200, chiếc máy bay cuối cùng của Không quân Mỹ bị bắn rơi tại Quảng Ninh… Chiến công này cùng với những chiến công khác nữa trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân dân xã đảo Ngọc Vừng đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Quân dân xã đảo được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với Quảng Ninh, những chiến công của quân dân xã đảo đã góp thêm một nét son chói lọi, đáng tự hào trong trang sử 50 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của tỉnh nhà…
Hoàng Long
Nguồn: baoquangninh.vn
Comentarios