Trong quá trình thi công phục dựng đình Ngọc Vừng (thôn Bình Minh, xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn), một nhóm thợ xây đã phát hiện một cổ vật bằng đá có hình dạng chiếc mai.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện vật có hình dáng giống như một chiếc mai, còn người dân Ngọc Vừng tạm gọi là chiếc rìu đá cổ. Chiếc mai có hình chữ nhật, kích thước khoảng 20 x 40 cm; phần tiếp giáp với cán mai có hai tai phình ra, phần lưỡi thon gọn đã bị mẻ một miếng nhỏ. Theo quan sát của chúng tôi, chiếc mai này có hình dáng gần giống với những chiếc mai đá đang được lưu giữ ở Bảo tàng Quảng Ninh, như: Mai đá tìm thấy tại hang Tam Hợp (phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả); mai đá tìm thấy ở Nhà máy đóng tàu Ba Lan (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long); mai đá tìm thấy ở TX Đông Triều và mai đá tìm thấy tại xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn).
Ông Hoàng Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng giới thiệu về hiện vật
Ông Hoàng Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng, cho biết: “Chiếc rìu này được tìm thấy dưới nền móng của ngôi đình cổ Ngọc Vừng. Cùng với việc tìm thấy chiếc rìu đá còn thấy cả những chân cột bằng đá có hoa văn rất đẹp. Vì không có chuyên môn về khảo cổ, không biết được hết giá trị hiện vật nên hiện nay, chúng tôi đang bảo quản hiện vật, chờ các cơ quan chức năng đến giám định và xử lý”.
Theo ông Hồ Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vân Đồn, đình cổ Ngọc Vừng mới có khoảng mấy trăm năm nay nên có thể hiện vật được mang từ bên ngoài vào đình chứ không liên quan đến sự ra đời của ngôi đình và tín ngưỡng của nhân dân. Theo quan sát, rất có thể cổ vật này thuộc giai đoạn hậu kỳ đồ đá mới, nền văn hóa Hạ Long. Nó cùng thời với những công cụ đá, đồ gốm đồ trang sức bằng xương tìm thấy ở các đảo trên Vịnh Hạ Long. Câu chuyện tìm thấy rìu đá ở Ngọc Vừng gợi nhớ đến sự việc diễn ra năm 1918, hai nhà khảo cổ Anderson (người Thụy Điển) và Colani (người Pháp) đã phát hiện tại mỏ cát phía Nam đảo Ngọc Vừng 10 di vật là rìu đá và hòn nghè bằng đá. Năm 1937, một chiếc rìu đá cổ nữa được phát hiện trên đảo Ngọc Vừng, góp phần khẳng định đây là cái nôi của người tiền sử.
Chiếc mai đá được tìm thấy còn tương đối nguyên vẹn
Sau đó, nhiều nhà khoa học đã bỏ thời gian dài tìm kiếm ở các đảo đá trên Vịnh Hạ Long, họ đã đi đến nhận định chung rằng, những công cụ đá, đồ đựng bằng gốm, đồ trang sức bằng đá, bằng xương... đã được phát hiện và thu thập ở Vịnh Hạ Long, vùng biển Quảng Ninh trong đó có Ngọc Vừng đều thuộc thời đại hậu kỳ đá mới, thời đại của người tiền sử. Các nhà khoa học Pháp đã xếp những di chỉ khảo cổ ở Hạ Long có cùng đặc điểm vào trong khái niệm “Văn hóa Danhdola” (“Danhdola” là tên đảo Ngọc Vừng do người Pháp đặt). Sau này, khi miền Bắc được giải phóng, các nhà khoa học Việt Nam và các chuyên gia khảo cổ học Liên Xô đã phối hợp tiến hành điều tra trên diện rộng, quy mô lớn và đã đi đến khẳng định: Đã từng có một nền văn hóa Hạ Long cách nay từ 3.500 - 5.000 năm, xếp vào giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đá mới.
Về hiện vật bằng đá mà nhân dân Ngọc Vừng gọi là rìu đá, ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết: “Giới chuyên môn quen gọi đây là những chiếc xẻng đá. Và hiện đang có hai luồng quan điểm song song cho rằng, có thể đây là công cụ lao động hoặc cũng có thể là những vật thiêng được chế tác ra để thờ gắn với tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ”. Nếu nhìn ở góc độ công cụ lao động thì đây là hiện vật chứng tỏ rằng người Việt cổ ở Ngọc Vừng không chỉ đi biển giỏi mà còn biết làm nông nghiệp, biết chế tác công cụ lao động.
Tránh tình trạng cổ vật bị bán như ở xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn) mấy tháng trước, ông Kiều Đinh Sơn khẳng định: “Đây là một cổ vật rất quý. Chúng tôi đã có văn bản gửi UBND huyện Vân Đồn, UBND xã Ngọc Vừng về việc tiếp nhận, bảo quản hiện vật. Vào cuối tuần này (trước ngày 8/4), đoàn công tác của Bảo tàng Quảng Ninh sẽ ra Ngọc Vừng làm việc, tiếp cận, thẩm định và đưa hiện vật về Bảo tàng Quảng Ninh để bảo quản, gìn giữ và phát huy giá trị. Việc này cần phải làm nhanh chóng, bài bản, tránh tình trạng người dân mang bán cổ vật, dẫn đến chuyện thất lạc, "chảy máu" cổ vật”.
Phạm Học
Nguồn: baoquangninh.vn
Comments