top of page

REVIEW DU LỊCH TỪ TP. HCM RA ĐẢO NGỌC VỪNG 3N2Đ CÙNG HỘI BẠN THÂN

Phải thú thực là trước đó mình đã đi Quảng Ninh – Hạ Long nhiều lần, cũng có sở thích đi du lịch ở nhiều tỉnh thành nhưng mình gần như chưa biết đến Đảo Ngọc Vừng cho đến hè 2023 khi cần ra đảo Ngọc Vừng cho một số công việc kết hợp du lịch. Mình và nhóm bạn hiện đang ở TP. HCM nên chúng mình đã bay thẳng từ sân bay Tân Sơn Nhất ra sân bay Vân Đồn rồi ra đảo. Hành trình di chuyển tuy có mất nhiều thời gian và cần sắp xếp khéo léo nhưng những trải nghiệm cùng nhau ở đảo Ngọc Vừng đối với chúng mình đều rất thú vị, vui vẻ. Đã rất lâu rồi chúng mình mới có một trải nghiệm du lịch nhẹ nhàng, bình yên, bình dị như vậy ở một hòn đảo xinh đẹp và hoang sơ.

1. Về phương tiện di chuyển

Từ TP. HCM ra Quảng Ninh

Ở Quảng Ninh có sân bay Vân Đồn khá thuận tiện cho việc bay thẳng từ sân bay Tân Sơn Nhất – Tp HCM ra. Chúng mình chọn bay chuyến bay chiều tối xuất phát lúc gần 18h và hạ cánh khoảng 20h00. Khi đáp tại sân bay Vân Đồn, chúng mình đi taxi về phía bến cảng Cái Rồng để thuê nhà nghỉ nghỉ qua đêm, sáng hôm sau dậy sớm và dễ dàng lên tàu gỗ ở cảng Cái Rồng đi qua Ngọc Vừng.

Từ cảng Cái Rồng đi qua Ngọc Vừng

Ở cảng Cái Rồng thường có 2 chuyến tàu gỗ cố định chạy lúc 7h sáng và lúc 13h chiều qua đảo Ngọc Vừng. Chúng mình dậy sớm trả phòng sau đó di chuyển ra bến cảng khoảng 6h30 để lên tàu. Tàu gỗ thường chở người dân đảo, du khách và một số hàng hóa. Tàu khá là sạch sẽ, chỗ ngồi rất thoải mái với các băng ghế gỗ được bố trí trong tàu. Tàu còn có cầu thang lên tầng 2 để ngắm cảnh. Chúng mình có 4 người nên cũng không cần đặt trước tàu mà cứ tới đúng giờ, lên tàu. Sau khi tàu rời bến khoảng chừng 30 phút mới thấy nhà tàu thu tiền vé mỗi người 80k. Đi chuyến sáng tàu gỗ từ bến Cái Rồng mất khoảng gần 2 tiếng rưỡi. Tàu đi rất êm và nhẹ trên vùng biển, nước biển trong xanh, tàu cá, ca nô, các hòn núi lướt qua trong tầm mắt ngắm rất thích. Một điểm thú vị khi đi tàu gỗ kiểu này là thi thoảng tàu gỗ sẽ tấp vào một thuyền lớn hoặc 1 chiếc “nhà nổi” nào đó để trả khách hoặc gửi, nhận một vài món hàng khá là giống kiểu xe khách trên đất liền mỗi lần mình về quê. Trên đường đi, tàu cũng tấp vào bến Thắng Lợi để một số người dân đảo này lên đảo, trả hàng gửi từ đất liền ra, khung cảnh rất nhộn nhịp, tươi vui. Dừng khoảng chừng 10 phút thì tàu mới thẳng tiến đến đảo Ngọc Vừng thế nên là các bạn cũng phải để ý kỹ không được xuống ngang bến Thắng Lợi này nhé, mình đi qua bến Thắng Lợi khoảng 1 tiếng nữa mới đến đảo Ngọc Vừng.

Từ bến cảng Ngọc Vừng về khu nghỉ dưỡng

Sau khoảng gần 2 tiếng rưỡi di chuyển trên biển, chúng mình đã có mặt ở bến cảng Ngọc Vừng lúc 9h30 sáng. Cảng Ngọc Vừng cũng nhỏ nhỏ xinh xinh và không có đông đúc tàu thuyền gì như mình tưởng tượng. Cũng chỉ tàu gỗ dạng như chúng mình đi chỉ và một số chiếc cano. Chúng mình đi vào ngày thứ 6 nên cũng không có quá đông khách du lịch trên cùng chuyến tàu, nghe chủ tàu nói thường thì thứ 7 sẽ có nhiều khách ra hơn, và chủ nhật thì khách thường về còn ngày trong tuần thì đa số tàu phục vụ người dân đi lại đảo – đất liền với chở hàng hóa.

Lên bến tàu có một vài chiếc xe điện đã chờ sẵn để nhanh chóng đón khách, đón hàng từ tàu. Những chiếc xe điện này cũng nhỏ nhỏ xinh xinh thôi, thường chở được khoảng từ 9 đến 12 khách 1 xe, cũng chẳng cần đặt trước gì, tụi mình vừa lên tàu là thấy xe nào còn trống chỗ thì lên ngồi và sắp xếp hành lý gọn gàng, chờ bác tài chút xíu để ổn định khách, chất hàng lên xong thì là đi. Trước khi ra đảo, mình có đọc thấy thông tin trên đảo di chuyển bằng xe tuk tuk nên hình dung về đảo là cực kỳ hoang sơ và mong chờ đi thử xe tuk tuk như thế nào, nhưng thực sự thì hiện nay trên đảo không còn sử dụng xe tuk tuk nữa mà thay vào đó là xe điện cho an toàn, chở được nhiều hành khách và hàng hóa hơn, lại ngồi êm hơn nữa. Ngồi trên xe điện rất thoáng, bác tài rất vui vẻ nhiệt tình nên tự nhiên chúng mình cũng thấy vui vui và hào hứng. Quãng đường đi từ bến cảng vào trung tâm đảo khoảng 6,5km đi xe điện mất khoảng 20 – 30 phút, đường đi có đoạn trải bê tông, cũng có đoạn đường đất, đường làng. Vì xe rất thoáng nên tốt nhất là nếu đội mũ thì phải giữ mũ chặt nếu không sẽ bị bay mất đấy. Đảo không lớn lắm và dân cư tập trung nên là muốn đến nhà ai, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng hay khu quân đội chỉ cần nói với bác tài là bác biết ngay rồi chở đến tận nơi. Giá vé xe điện từ cầu cảng đi vào tính 30k/1 người, khi nào xuống xe bác tài mới thu tiền. Nếu đi đoàn đông và thuê nguyên xe thì giá là 300k/1 chiều, 500k/2 chiều. Chúng mình đi có 4 người nên bác tính 120k. Khoảng gần 10h là chúng mình đã có mặt tại Khu nghỉ dưỡng Hòn Ngọc Xanh - Green Pearl Retreat.

Di chuyển trên đảo

Di chuyển trên đảo thì cơ bản cũng có xe điện, xe máy hoặc xe đạp. Các điểm thăm quan du lịch, khu dân cư đều không quá cách xa nhau. Thường thì có thể thuê xe điện đi thăm quan 4 điểm du lịch chính trên đảo với giá 400k 1 xe. Chúng mình thì thích đi xe đạp để thong dong và khám phá nhiều hơn vào các con đường nhỏ ven biển, trong làng nên đã thuê xe đạp. Giá thuê xe đạp thể thao là 60k/1 tiếng. Đi xe đạp tới các điểm như Khu lưu niệm Bác Hồ, Bãi biển Trường Chinh, Hòn Pháo Đài, Hồ Cẩu Lẩu và lang thang theo một vài con đường làng buổi sáng và buồi chiều khá thú vị.

2. Về chỗ ở - ăn uống

Tụi mình ở tại Khu nghỉ dưỡng Hòn Ngọc Xanh - Green Pearl Retreat là 1 trong 2 khu nghỉ dưỡng trên đảo và cũng chỉ mới vừa khai trương mùa hè 2023 này. Trên đảo đa số là các nhà nghỉ của người dân đảo, một số homestay và một vài dạng lều trại. Hiện có 2 khu nghỉ dưỡng là Sudico Sông Đà và Hòn Ngọc Xanh - Green Pearl Retreat, chúng mình chọn Bungalow vừa xinh cho 4 người ở lại cũng xanh mát, mới nên rất là tiện nghi, đẹp. Phòng ở đây thì có thể đặt trước hoặc là đến nơi mới đặt phòng nhưng để chắc chắn có phòng mình đã đặt trước khoảng 1 tuần. Lần đầu tiên biết đến và ra chơi đảo, mình liên hệ khu nghỉ dưỡng được tư vấn rất nhiệt tình và đầy đủ nên tự nhiên cũng thấy yên tâm với cũng có khi vì thế nên mình chọn luôn ở Khu nghỉ dưỡng Hòn Ngọc Xanh - Green Pearl Retreat.

Giờ check in của khu nghỉ dưỡng là 14h chiều, chúng mình đến sớm nên gửi hành lý tại quầy lễ tân sau đó thuê xe đạp để đi ra bãi biển Trường Chinh và Hòn Pháo Đài luôn. Xe đạp ở đây là dạng xe đạp thể thao nên khá dễ đi và đặc biệt lên hình check in rất là xịn. Khu nghỉ dưỡng có sẵn 10 xe nên chỉ cần báo lễ tân là được bố trí xe cho ngay.

khu nghỉ dưỡng này ngay phía trước có nhà hàng Thiên Điểu nên là chúng mình cũng đặt ăn các bữa ở đây luôn cho tiện từ ăn sáng đến các bữa chính trưa tối. Bữa sáng thì ngày 1 tụi mình ăn phở bò, ngày 2 thì đặt ăn cháo hà. Nói chung là đồ ăn nóng sốt, ngon và giá tiền thì cũng vừa phải ở mức 35k/1 người. Bữa sáng này thì cũng cứ nên là báo trước với khu nghỉ dưỡng từ tối hôm trước thì tiện nhất – thực ra kiểu gì buổi tối nhân viên ở đây cũng hỏi mình sáng mai có món này món kia cho mình chọn đặt ấy, chu đáo cực kỳ luôn. Bữa trưa và tối thì tụi mình cũng đặt theo các set menu mà nhà hàng này gửi có các mức giá 200 – 250 – 300 – 350k/1người, tụi mình ăn xen kẽ các bữa ở mức 200 – 250k, nhà hàng chuẩn bị theo giờ mình hẹn nên cũng gần như không phải chờ đợi gì, phục vụ rất chuẩn giờ mà đồ ăn thì ngon lành nóng sốt kiểu vừa chế biến xong cái là bưng lên cho mình. Cơ bản tụi mình ăn trong phòng ăn có điều hòa của nhà hàng những bữa trưa, buổi tối thì có hôm tụi mình chọn ăn ngoài sân vườn nhà hàng cũng bố trí bàn cho luôn, phải nói là siêu chiều khách. Đồ ăn thì có khá nhiều món địa phương ngon và nhà hàng cũng có giới thiệu thêm cho tụi mình lúc gợi ý menu cho chọn: mực, dậu mai, hàu, tép, bứa, sứa, ghẹ, ốc ... nói chung là với mức set tụi mình chọn và đồ ăn thì rất ổn luôn, 4 tụi mình là con gái sức ăn vừa phải nên thậm chí còn dư đồ ăn ấy. Hôm đoàn mình ra còn có một số đoàn khác nhiều người hơn, nhưng không vì thế mà mấy anh chị nhân viên, quản lý khu resort thiếu quan tâm đến tụi mình. Các đoàn đều vui vẻ, mấy đoàn đông đông buổi tối ngồi trong phòng ăn còn hát karaoke luôn khá là xôm tụ và vui. Tụi mình thì không hát mà thích đi lang thang nhiều hơn nên tối ăn xong nghỉ ngơi chút rồi tụi mình lại lượn.

Về đồ ăn vặt trên đảo thì không có quá nhiều nhưng mà mình thích kiểu đơn sơ, nhẹ nhàng dân dã ở đây. Chúng mình đạp xe đi chơi một hồi thì tấp vào quán tạp hóa ven đường mua một ít trái cây, nước uống đóng chai xong sẵn tiện thấy cô bày mấy chiếc nồi nhôm he hé nắp trên 1 chiếc bàn nhỏ, hỏi ra mới biết cô bán chè. Thế là gọi luôn 4 ly mang theo: chè đỗ đen, sữa chua nếp cẩm. Rẻ cực kỳ có 10k/1 ly mà cũng chất lượng cực kỳ luôn. Ở Ngọc Vừng cũng có một vài quán bán nước giải khát dạng nước mía, sinh tố, trà sữa, kem,...mà tụi mình lúc đi ngang đường ra bãi biển thì thấy có căn tin sân bóng Ngọc Vừng có tầng 2 ngồi khá thoáng nên là cũng ghé gọi mấy ly nước và kem ngồi chill. Trên tầng 2 nhìn xuống sân bóng với dãy phi lao rất mát mắt, lại cách biển không xa nên là gió biển thổi vào thoáng cực kỳ.

Trên đảo có một số hàng tạp hóa nhỏ thì dùng tiền mặt còn đa số chỗ khu nghỉ dưỡng mình ở, chỗ căn tin hay hàng quán trên đảo có thể trả bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản đều được. Cái này mình thấy khá tiện khi không cần phải mang theo quá nhiều tiền mặt, tụi mình cũng không phải băn khoăn chỗ rút tiền vì trên đảo chẳng có cây ATM nào cả.

3. Điểm thăm quan, vui chơi

Ngọc Vừng là nơi du lịch biển yên bình vô cùng trong số những nơi mình đã từng đi. Các điểm thăm quan vui chơi trên đảo đều ở khá tập trung và chỉ cách khu nghỉ dưỡng bọn mình ở tầm từ 500 – 700m cho đến tầm hơn 1km gần 2km nên đi xe đạp thong dong được. Cứ vừa đi vừa dừng chụp vài tấm ảnh, ngắm cỏ cây hoa lá, biển là thích.

Bãi biển Trường Chinh là điểm đầu tiên chúng mình không thể bỏ qua thậm chí là còn chạy ra chơi đến mấy lần 1 ngày vì bãi biển này đẹp lắm, mỗi khoảng thời gian trong ngày lại đẹp 1 kiểu, chưa kể là gần biển có con đường phi lao xanh ngút ngàn 2 bên. Mấy ngày mình ra đều là ngay lúc Ngọc Vừng đang mùa đẹp nhất năm, trời xanh, mây trắng, nắng vàng, biển xanh, cát trắng, mịn là đúng chuẩn cho Ngọc Vừng luôn. Biển Ngọc Vừng cũng có nhiều thứ hay hay mà mình ít thấy ở các biển khác ngoài miền Bắc mà mình đã từng đi. Bãi biển dài thì hút mắt luôn, tận 3km, xong lại ít khách du lịch nên bãi càng cảng giác dài hơn, rộng hơn. Thềm cát ở đây thoải và rộng lắm, có khi bằng cả cái sân đá bóng của trẻ con khi đi từ bờ biển xuống sát mép nước, mình nghĩ chỗ này tụi trẻ con nhỏ nhỏ sẽ rất thích vì nước thì trong, cát mịn, bờ thoải nên chúng sẽ tha hồ chơi, bơi, nghịch cát, nhảy sóng – đương nhiên sóng chỉ nhẹ nhàng dịu dàng thôi. Thêm 1 điểm nữa ở bãi biển này là sẽ có những khoảng bãi biển có rất nhiều ốc điếu dạt vào và đầy trên cát. Ban đầu mình chỉ nghĩ là vỏ ốc nhưng không có cơ man nào là ốc còn sống nguyên nữa nên kể có nhặt vỏ chơi hay bắt ốc sống về ăn cũng là được luôn. Ốc điếu này xinh cực, nhặt một mớ xếp thành hình gì đó trên bãi cát cũng hay, mà ví dụ muốn viết tên trên cát thì lấy đại 1 con để viết lại tiện. Buổi chiều lúc hoàng hôn tụi mình cũng đi len men theo con đường phi lao ven biển, vào 1 con đường mòn ven biển đến mãi cuối đảo nhìn ngắm từ xa trọn vẹn bãi biển Trường Chinh. Đẹp không tưởng khi mặt trời dần lặn, trời và biển thì ửng lên ánh hồng cuối ngày, sóng vẫn vỗ những hồi êm ru, gió nhẹ nhẹ, thêm cây cỏ hoa lá bên đường, - mình không biết tên nhưng đẹp lắm. Buổi tối chúng mình cũng lại ra biển dạo một chút. Buổi tối ngoài biển có một số nhà hàng ven biển nhưng cũng không có chiếu sáng quá nhiều nên cơ bản là chỉ có ánh sáng trăng và ánh đèn dịu dịu hắt ra. Chúng mình dựng xe ngay trên bờ cát rồi chân trần đi bộ trên bãi cát men ra tới rìa nước. Dùng đèn từ điện thoại để soi trên nền cát và ngắm nhìn những sinh vật nhỏ hoạt động về đêm. Ở bãi biển này mình cũng không thấy có các quá nhiều dịch vụ vui chơi giải trí, các trò chơi thể thao biển như kiểu phao chuối, dù lượn, mô tô nước.... mà mọi thứ cứ đơn giản nhẹ nhàng là tắm biển, dạo biển bằng tản bộ hay đi xe đạp, nghịch cát, nhặt ốc, soi còng gió. Cứ chậm chậm cảm nhận biển theo cách tự nhiên nhất.

Điểm thứ 2 mà chúng mình thăm đó là Hòn Pháo Đài. Đây là điểm thứ 2 vì hòn Pháo Đài nằm ở 1 đầu của bãi biển Trường Chinh nên ngay khi ra biển chơi buổi sáng ngày đầu tiên thì chúng mình cũng lên đây chơi luôn. Hòn Pháo Đài dạng như 1 đồi đất nhô lên các bờ không xa. Có 1 con đường bằng đá vụn dẫn ra Hòn Pháo Đài mà vào những ngày con nước thấp thì con đường này lộ thiên còn ngày con nước cao thì con đường này sẽ ngập nước có thể tới mắt cá chân, ngang đầu gối. Ngày chúng mình ra chơi, con đường này lộ thiên vậy nên chỉ cần men theo con đường này là ra Hòn Pháo Đài. Đi lên đỉnh của Hòn Pháo Đài cần leo lên 1 quãng bậc thang dốc. Quãng này cũng không xa và len lỏi trong tán cây nên cũng mát mặc dù chúng mình đi vào gần cuối buổi sáng. Đỉnh Hòn Pháo Đài cũng không quá rộng, có bày 1 mô hình khẩu pháo như minh họa lại xưa kia ở đây là điểm canh gác quân sự. Trên đỉnh Hòn Pháo Đài có thể ngắm nhìn trọn vẹn bãi biển Trường Chinh từ trên cao thực sự đẹp vô cùng. Nếu đi vào sáng sớm mình nghĩ có khi còn tuyệt vời hơn nữa. Dưới chân Hòn Pháo Đài có 1 khoảng đá tảng lớn. Tụi mình cũng có leo ra chụp vài tấm ảnh. Ở đây nhìn kỹ thấy cực kỳ nhiều ốc đá, vì được dặn trước ốc này là ốc người dân nuôi thả nên là chúng mình cũng chỉ ngắm nghía mà không bắt. Dưới các hòn đá nhỏ tụi mình phát hiện có rất nhiều những con còng gió hay con cua nhỏ rất dễ thương. Lật đá xem chúng chạy trốn nháo nhào hoặc chụp vài con bỏ lọ mang về cũng hay hay.

Điểm thứ 3 chúng mình ghé thăm là Khu lưu niệm Bác Hồ. Ban đầu chúng mình nghĩ là vào đây sẽ có mua vé vào cổng nhưng lại thêm 1 bất ngờ cho mình nữa là ở đây không bán vé và mở cửa từ sáng sớm đến cả chiều muộn cho người dân hay du khách ghé thăm thoải mái. Trong khuôn viên khu lưu niệm mới bước vào có 1 hồ lớn, trong hồ rất nhiều cá chép cả loại có màu sặc sỡ và các loại cá dân dã khác. Có 1 thùng thức ăn cho cá, cũng lại tùy ý lấy một chút cho cá ăn, thả vào thùng bên cạnh một ít tiền lẻ hay không là tùy tâm. Một nửa khuôn viên còn lại của khu lưu niệm là đài tưởng niệm, nhà trưng bày, sân lớn với 2 cây đa cổ thụ tán rộng che kín sân. Ngồi đây cứ là mát rười rượi. Chúng mình cũng vào phía trong nhà trưng bày để ngắm nghía những chứng tích lịch sử được lưu giữ lại đây để hiểu hơn về đảo Tiền tiêu Ngọc Vừng và những giá trị lịch sử, tình quân dân trên đảo từ thời kỳ chiến tranh đến thời mình xưa tới nay. Trong khu lưu niệm này không có hướng dẫn viên, các thông tin chủ yếu là thông qua hình ảnh và những ghi chú trên hình ảnh. Giống như mỗi người vào đây thăm đều dành cho mình một khoảng lặng để tự theo dòng lịch sử vậy. Thì ra bên ngoài vẻ yên bình, thanh bình này, Ngọc Vừng cũng đã có những khoảng thời gian quân dân cùng nhau kiên cường bám đảo, giữ đảo, tuy đảo xa nhưng là đảo tiền tiêu nên được sự quan tâm vô cùng đặc biệt từ Bác Hồ và các bác lãnh đạo Đảng, nhà nước Việt Nam.

Sau khi ghé qua Khu lưu niệm Bác Hồ, chúng mình đạp xe vòng quanh làng rồi thẳng tiến đến hồ Cẩu Lẩu là hồ nước ngọt lớn nhất trên đảo mà người dân đảo tự hào vì không phải đảo nào cũng có được hồ nước đẹp, nước đầy quanh năm, trong vắt như thế. Trên đường đi cũng khá thú vị khi chúng mình lướt ngang qua nhà dân trong làng thấy hoạt động thường ngày tuy mộc mạc nhưng rất dễ thương: tách gọ, hàu, phơi dứa rừng,... ngay trước sân nhà. Cảnh quan đồng quê cũng được chúng mình tận hưởng từ cánh đồng lúa, tới những con trâu bò thong thả gặm cỏ, lâu lâu đi ngang 1 cái ao nhỏ lục bình nở tím biếc, đàn vịt náo nhiệt một góc ao giành đồ ăn, một vài cánh cò trắng bay là là...Cứ đạp xe như vậy một loáng chúng mình đã đến điểm Hồ Cẩu Lẩu. Nếu chỉ nhìn từ phía đường làng thì sẽ không thấy hồ. Cần đi bộ lên dốc 1 đoạn băng qua dãy cỏ lau chắn tầm nhìn thì mở ra trong tầm mắt là cả mặt hồ rộng mênh mông. Ngồi ở bờ hồ ngắm cảnh hay chụp vài tấm ảnh đẹp với hồ, với cỏ lau đều đẹp và nhẹ nhàng vô cùng.

Từ Hồ Cẩu Lẩu chúng mình đạp xe đi ngang 1 hồ nhỏ nữa là hồ Ngọc Thủy. Hồ này thì nước không đầy và rộng như hồ Cẩu Lẩu, hiện cũng được người dân dùng để nuôi thả cá. Hồ này nếu chỉ nhìn từ trên đường làng xuống thì cũng không có gì đặc biệt cả, nhưng chúng mình thích lang thang nên dựng xe đạp và đi men theo xuống triền cỏ phía dưới ngắm cỏ cây hoa lá. Triền đồi ngay cạnh hồ này có đào rất nhiều dạng hầm hào. Ngó qua chút cũng hay.

Đi thêm 1 quãng đường làng thì tới điểm Đình Miếu Ngọc Vừng. Điểm này chúng mình chỉ ghé ngang mà không vào trong vì trang phục mặc đạp xe không được phù hợp lắm. Nhìn ngắm phía ngoài thì Đình Miếu Ngọc Vừng cũng không lớn lắm và rất mộc mạc. Mình thấy cửa mở nhưng cũng không thấy ai canh trực ở đây. Du khách người dân vãn cảnh, dâng lễ, thắp hương thoải mái.

4. Kết thúc hành trình, về lại TP. HCM

Chủ nhật, ngày cuối chúng mình ở Ngọc Vừng. Buổi trưa sau khi dùng bữa và check out trả phòng lúc 12h, xe điện chở chúng mình ra lại cảng Ngọc Vừng. Lên tàu gỗ về lại cảng Cái Rồng lúc 13h00. Khoảng 15h30 là chúng mình đã đến cảng Cái Rồng. Giờ bay về TP. HCM cũng tầm 20h00 nên chúng mình còn khá nhiều thời gian. Tìm một quán nước nhỏ ngồi ngắm nhìn lại những thước phim, những hình ảnh trong 3 ngày vừa qua viết vài dòng review. Ăn tối nhanh ở một quán ven đường rồi ra sân bay Vân Đồn. Trở về TP HCM, cũng khoảng 22h. Kết thúc hành trình 3 ngày 2 đêm của chúng mình

5. Tổng kết

Chuyến đi Ngọc Vừng 3N2Đ, chúng mình thực sự cảm mến hòn đảo này từ cảnh quan, con người, đồ ăn. Mọi thứ ở Ngọc Vừng dường như tĩnh tại, chậm rãi hơn khiến chúng mình cũng vì thế được thư thái, nhẹ nhàng, và tận hưởng mọi thứ một cách bình dị, khác biệt. Cảm giác vừa là đi du lịch nhưng vừa có gì đó như được về quê và đương nhiên hòa mình trọn vẹn vào thiên nhiên, biển trời. Chúng mình gọi du lich Ngọc Vừng lần này tựa như một chuyến du lịch “chữa lành”, ấy là tạm gác lại những xô bồ, lo lắng của cuộc sống thành thị, tâm hồn được thả lỏng và nuông chiều chính mình nhiều hơn. Sau chuyến đi năng lượng của chúng mình lại được sạc đầy, có một vài ý tưởng mới cho công việc. Mình mong là Ngọc Vừng sẽ ngày càng được nhiều người biết đến hơn, du lịch ở đây phát triển hơn nhưng theo cách riêng để chính sự bình dị, nhẹ nhàng ở Ngọc Vừng là điều tuyệt vời thu hút du khách đến chơi.



Comments


bottom of page