top of page

Thành cổ Ngọc Vừng có từ thời Nguyễn

Sở dĩ phải khẳng định như vậy, khơi lại vấn đề bởi vì lâu nay, nhiều người quen gọi là thành nhà Mạc mà không có một căn cứ lịch sử nào.


Di tích thành cổ Ngọc Vừng có tên cổ là Bảo Tĩnh Hải (đồn Tĩnh Hải), nằm ở ven bãi biển Trường Chinh thuộc thôn Bình Ngọc, xã Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn), cách thị trấn Cái Rồng 29 km, cách thành phố Hạ Long 34 km.

Các bản vẽ mặt bằng, mặt cắt ngang và mặt đứng của Thành cổ Ngọc Vừng


Thành cổ Ngọc Vừng ra đời từ chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo của cha ông ta. Sách “Đại Nam thực lục”, tập 2, của Quốc sử quán triều Nguyễn, do NXB Giáo dục ấn hành năm 2007, có ghi: Tổng đốc Hải Yên Nguyễn Công Trứ thân lĩnh đại đội binh thuyền lại đến Chàng Sơn tuần bắt giặc biển, dâng sớ xin thôn Vận ở Vân Đồn, xã Vĩnh Thực ở Vạn Ninh (tên xã, tức cửa biển Đại, tiếp giáp Bạch Long Vỹ thuộc thôn Trúc Sơn) đều làm một đồn.

Thành đồn 4 mặt đều dài 23 trượng, chân sâu 1 thước 5 tấc, thân cao 5 thước, mặt trước xây đá, dày 2 thước 5 tấc. Cấp giữa đổ đầy đất 3 thước 5 tấc, cấp trong xây đá 2 thước; 2 cửa trước, sau đều dựng cột gỗ cao 9 thước; tầng trên làm lầu canh, dưới đóng 2 cánh cửa; bên tả làm một pháo đài, bên hữu làm một chỗ đốt lửa. Về pháo đài chiểu theo thế núi, mặt rộng trên dưới 2,3 trượng, cao 4 thước, sâu 1 thước, ngoài xây đá dày 4 thước, sâu đổ đất.

Một đoạn tường thành hiện đã chỉ còn dấu vết


Sách “Đại Nam nhất thống chí” (NXB Khoa học xã hội ấn hành năm 1971, trang 42), cũng chép: Bảo Tĩnh Hải ở thôn Vựng, huyện Nghiêu Phong, là nơi thuyền bè người Thanh qua lại tấp nập, chu vi 134 trượng 8 thước, cao 5 thước, đắp năm Minh Mệnh thứ 20 (1839).


Như vậy, theo thư tịch cổ, thành cổ Ngọc Vừng đắp năm 1839 và liên quan trực tiếp 2 nhân vật lịch sử là vua Minh Mệnh và quan Tổng đốc Nguyễn Công Trứ thời Nguyễn, chứ chưa có tài liệu và nhân vật nào liên quan đến thời Mạc vào thế kỷ XVI.


Trong hồ sơ lý lịch di tích “Thành cổ Ngọc Vừng” do Bảo tàng Quảng Ninh lập tháng 10/2011, Thành cổ được xây từ thời nhà Mạc (thế kỷ XVI), nên nhân dân quen gọi là thành nhà Mạc. Đến thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), thành được xây lại. Hồ sơ di tích cũng ghi dẫn lời 2 cụ già trên 80 tuổi ở Ngọc Vừng. Ông Nguyễn Cảnh Loan, nguyên Chánh Văn phòng Hội Khoa học Lịch sử Quảng Ninh, cho rằng, điều này rất khó thuyết phục bởi lịch sử không thể căn cứ vào lời kể dân gian. Thêm nữa, cả 2 cụ già đều không có căn cứ lịch sử nào để khẳng định một cách chính xác là Thành cổ Ngọc Vừng được xây lại vào năm 1839. Các cụ càng không phải là nhân chứng lịch sử chứng kiến sự việc diễn ra vào thế kỷ XVI bởi cả 2 cụ đều sinh vào những thập niên đầu của thế kỷ XX.

Ông Nguyễn Cảnh Loan (bên phải) khảo sát Thành cổ Ngọc Vừng từ phạm vi bảo vệ di tích


Niên đại của Thành cổ Ngọc Vừng còn được chứng minh thông qua hiện vật khảo cổ học. Năm 1973, đoàn khảo cổ đã phát hiện thành được đắp đất bên trong, kè đá bên ngoài, đá được gắn kết với nhau bằng vữa vôi. Chỗ tường thành bình thường xây 1 lớp, riêng góc thành xây 2 lớp, mỗi lớp dày khoảng nửa mét. Thành có 2 cửa được bố trí ở khoảng giữa tường thành, mỗi cửa rộng 3m. Cửa phía Bắc để làm nơi xuất binh hoặc đánh chặn đối phương từ hướng sông Cổng Đồn lên. Cửa phía Nam quay ra biển làm nơi tác chiến chính để đón đánh đối phương tiến công từ phía biển vào thành. Kết quả khảo cổ học đã cho thấy những gì tìm được trùng khớp với sử sách đã ghi chép. Những hiện vật đồ sứ, bát, đĩa sứ, mảnh bình, mảnh nồi tìm được ở đây đều có từ thời Lê, thời Nguyễn chứ không phải đồ từ thời nhà Mạc.

Một viên đá xây còn sót lại


Thành Ngọc Vừng có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ biên giới trên biển vùng Đông Bắc Việt Nam, có vai trò bảo vệ cho thương cảng Vân Đồn, khống chế con đường biển đi qua đảo Ngọc Vừng hoặc đi vào phía Tây của Quan Lạn. Đây là kiến trúc thành cổ quân sự trên biển duy nhất còn tương đối nguyên vẹn ở vùng duyên hải phía Bắc. Nghiên cứu di tích này cho chúng ta hiểu thêm về chiến lược, sách lược phòng thủ trên biển của dân tộc.


Bởi thế, bản thân di tích này đã mang những giá trị nội tại hết sức có giá trị rồi. Theo ông Nguyễn Cảnh Loan, Thành cổ Ngọc Vừng đã giá trị như vậy rồi thì hậu thế đâu cần phải kéo lùi lịch sử của nó thêm mấy thế kỷ. Ông Loan đề nghị: Không được gọi là thành nhà Mạc mà phải gọi là thành nhà Nguyễn hoặc là Thành cổ Ngọc Vừng. Và nếu có đề án khôi phục lại đồn Tĩnh Hải theo như sử sách thì đây sẽ là địa chỉ du lịch lý thú ở Ngọc Vừng.


Huỳnh Đăng

Nguồn: baoquangninh.vn

Comments


bottom of page